Cơ hội và thách thức cho ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam

Thứ năm, 11/11/2021, 12:02 GMT+7
Cơ hội và thách thức cho ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam

Cơ hội và thách thức cho ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam

Trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam vẫn giữ vững và có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong khoảng thời gian này thị trường có nhiều biến động mạnh, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cước vận chuyển tăng, nguồn lao động khan hiếm,... ngành gỗ vẫn đang chủ động, nỗ lực để vượt qua những khó khăn và thách thức trước mắt.

Hãy cùng noithathacuong.vn tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

Nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh tăng trưởng

Có thể nói, trong năm vừa qua ngành nội thất Việt nam nói chung cũng như ngành nội thất đồ gỗ nói riêng đã có bước tăng trưởng ấn tượng trên thị trường quốc tế. Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đồ gỗ Việt còn được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia trên thế giới , đặc biệt là các khu vực lớn như Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.

Năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 12,3 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%...

Theo báo cáo thị trường xuất khẩu nội thất đồ gỗ cho biết, kim ngạch xuất khẩu nội thất nhà bếp 7 tháng đầu năm đạt khoảng 550 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 196 triệu USD, tăng 47,3%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ đã nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…

Cơ hội và thách thức cho ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam

Ảnh minh họa.

Dịch bệnh bùng phát khiến hàng loạt các quốc gia trên thế giới phải tạm dừng sản xuất, đây chính là thời điểm thuận lợi cho ngành xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam. Với môi trường sản xuất an toàn được kiểm soát dịch chặt chẽ, các doanh nghiệp chú trọng hơn vào đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới, sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị và tăng cường giao thương trực tuyến tìm kiếm các đối tác nước ngoài mở rộng sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi lớn về mẫu mã, xu hướng marketing và bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu để từng bước đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nửa cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát, EU mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh.

Những tháng đầu năm 2021, các đơn hàng tại nhiều công ty xuất khẩu đồ gỗ, nội thất trong nước vẫn đang tiếp tục tăng mạnh do phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Nắm bắt được cơ hội này, các công ty đã tiến hành cải tiến nhà máy sản xuất, đầu tư chuyên sâu về công nghệ để nâng cao năng suất. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa chức năng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong thời dịch…

Đối mặt với những khó khăn, thách thức

Có thể nói, trong giai đoạn đầy biến động do ảnh hưởng Covid vừa qua ngành nội thất đồ gỗ đã gặt hái được nhiều kết quả tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên phía sau đó các công ty, doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn nhất định. Trước hết, nguồn nguyên liệu đang bị gián đoạn khiến nguồn cung khó đáp ứng được sự gia tăng trong nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc từng bộ phận sản phẩm cũng ngày càng chặt chẽ hơn, do đó nếu chỉ một chi tiết sản phẩm không đáp ứng quy trình sẽ làm ách tắc cả lô hàng xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ nhằm tránh những tổn thất nặng nề khi các nước khởi kiện với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài việc phải đối diện với những quy định mới của các thị trường nhập khẩu, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với một vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Đó là tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng qua các cảng quốc tế trước khi chuyển giao cho các khách hàng khắp thế giới.

Cơ hội và thách thức cho ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo dữ liệu ngành logictics của SSI Research, Việt Nam không tham gia vào vận tải biển liên lục địa. Vậy nên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang phải chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài. Chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2-3 lần trong năm qua, phí vận chuyển trong tháng 7/2021 đã tăng lên 10 lần so với thời điểm trước dịch. Do đó các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công Thương cần có thêm các biện pháp tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nói chung và trong vận chuyển gỗ xuất khẩu nói riêng.

Theo báo cáo thống kê, ngành gỗ có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700 nghìn lao động và hàng vạn lao động tự do ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ở góc độ toàn ngành cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ không tránh khỏi nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng hay thậm chí là phá sản do đứt chuỗi cung ứng.

Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như vậy, ngành nội thất đồ gỗ Việt Nam cần phải nỗ lực, chủ động hơn nữa trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm nguồn lao động cũng như nguyên liệu đầu vào,... Chỉ có như vậy mới giúp ngành loại bỏ được những rủi ro cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng mới đề ra.

Mong rằng qua bài viết trên đây, các doanh nghiệp nội thất nói chung cũng như các doanh nghiệp cung cấp và sản xuất đồ gỗ nội thất nói riêng sẽ có những kế hoạch, mục tiêu mới để thúc đẩy tăng trưởng ngành vượt qua đại dịch.

(Nguồn: consosukien.vn)

Ý kiến của bạn
Để lại tin nhắn cho chúng tôi!

Ms. Thủy

02253840260

Ms. Xim

02253840260