Khi nói đến chủ đề thiết kế nội thất, "sáng tạo" và "năng khiếu thẩm mỹ" thường là những từ được nhắc tới đầu tiên. Tuy nhiên trên thực tế, theo chia sẻ từ các nhà thiết kế nội thất, luôn có những nguyên tắc, những quy luật, và các yếu tố khác cần tuân theo để tạo ra một thiết kế đẹp. Đó chính là 7 yếu tố bao gồm không gian, đường nét, hình dạng, ánh sáng, màu sắc, vật liệu và hoa văn.
Là một yếu tố cơ bản và khó thay đổi trong thiết kế nội thất, bạn cần phải nắm rõ không gian cần thiết kế có những ưu điểm và nhược điểm gì. Thiết kế nội thất sẽ làm việc ở môi trường không gian 3 chiều. Không gian đó tối giản, cổ điển hay hiện đại,... là tùy theo phong cách thiết kế nội thất.
Không gian có thể chia làm 2 loại: đặc và rỗng. Không gian đặc là nơi đặt các đồ dùng nội thất, vật trang trí và các thiết bị điện. Không gian rỗng (có tên gọi khác là không gian mở, đường giao thông) là nơi không có hoặc có rất ít đồ vật. Việc kết hợp hài hoà giữa không gian đặc và rỗng sẽ giúp cho căn phòng có tính thẩm mỹ cao hơn, tránh cảm giác bừa bộn và cảm giác thừa hoặc thiếu đồ nội thất.
Những phong cách thiết kế nội thất khác nhau sẽ có những yêu cầu sử dụng không gian khác nhau. Ví dụ phong cách tối giản sẽ tạo ra nhiều không gian rỗng hơn phong cách chiết trung. Vậy nên việc cân bằng và hài hoà được không gian đặc, rỗng cũng như nơi bố trí nội thất sẽ tạo ra phong cách vừa ấn tượng vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.
Nhà thiết kế nội thất cần biết cân bằng giữa yêu cầu của khách hàng và điều kiện của không gian. Phải tính toán rõ ràng kích thước các đồ vật nội thất đặt trong phòng, vì chúng liên quan đến không gian đặc và rỗng trong nhà. Ví dụ nếu có nhiều những đồ vật quá lớn sẽ chiếm hết chỗ của không gian rỗng dễ gây cảm giác ngột ngạt. Ngoài ra, sắp xếp đồ nội thất còn tạo cảm giác lớn hơn hoặc nhỏ hơn cho không gian.
Sự kết hợp của những đường ngang, đường thẳng đứng và đường "động" sẽ tạo ra tổng thể hình dạng cho căn phòng và điều tiết thị giác của chúng ta khi nhìn căn phòng đó. Biết cách kết hợp những đường nét tạo ra từ đồ nội thất sẽ làm cho không gian có tính đồng nhất hoặc tương phản nhau.
Đường ngang được tạo ra từ bàn ăn, bàn phòng khách và những bề mặt khác. Đường ngang có vai trò tạo cảm giác ổn định, cân bằng và trang trọng. Trong thiết kế nội thất, những đường ngang này làm cho không gian như được rộng và dài hơn. Nhưng nếu lạm dụng chúng quá nhiều sẽ tạo ra cảm giác nhàm chán và không phá cách.
Đường thẳng đứng có vai trò làm cho không gian cảm giác cao hơn, bao gồm cửa sổ, cửa ra vào. Chúng thường được sử dụng trong đèn bàn, lối ra vào và không gian văn phòng. Khác với đường ngang, nếu sử dụng quá nhiều đường thẳng đứng sẽ làm bạn cảm thấy bất an, lo lắng.
Đường "động" bao gồm đường cong, đường chéo, đường zigzag,… Đại diện cho đường động chính là cầu thang. Chúng tạo cảm giác như đang chuyển động và có năng lượng. Chúng cũng kích thích thị giác và thu hút được sự chú ý nhiều hơn 2 đường kia. Nhưng nếu có quá nhiều đường động sẽ làm không gian bị rối, lấn át hết đường ngang và đường thẳng đứng.
Do vậy, trong thiết kế nội thất nên kết hợp cả 3 loại đường này, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa truyền tải đúng các thông điệp mà chúng mang lại.
Yếu tố này bao gồm hình dạng của căn phòng và hình dạng của các đồ vật nội thất trong căn phòng đó. Nói cách khác, hình dạng chính là nói tới không gian 3 chiều của vật thể.
Những thứ do con người tạo ra thường có hình dạng vuông vức, có góc cạnh. Trong khi đó, thiên nhiên sẽ tạo ra nhiều hình dạng phong phú hơn và chúng đều có những quy luật riêng. Hình dạng này có thể là khối đặc, rỗng hoặc 1 khối độc lập. Cần chú ý rằng kích thước của đồ vật, đồ nội thất phải có tỷ lệ phù hợp với kích thước của không gian.
Việc sử dụng nhiều đồ vật có hình dạng giống nhau, tương đồng với nhau sẽ tạo ra cảm giác hài hoà và cân bằng. Ngược lại, nếu sử dụng các đồ vật, đồ nội thất với nhiều hình dạng khác nhau mà không biết cách kết hợp sao cho đúng sẽ dễ làm không gian bị rối và mất tính thẩm mỹ. Trong một không gian đẹp thì hình thức chủ đạo nên được lặp lại xuyên suốt, kể cả ở những đồ vật kích thước nhỏ.
Trên đây là những yếu tố đầu tiên giúp nâng cao tính thẩm mỹ cho mọi không gian khi thiết kế. Hãy cùng Nội Thất Hà Cường tìm hiểu thêm về các yếu tố tiếp theo trong phần sau của bài viết nhé!
>>> Xem thêm: TOP 7 YẾU TỐ NÂNG CAO THẨM MỸ THIẾT KẾ NỘI THẤT CHO MỌI KHÔNG GIAN (PHẦN 2)